PHẠT NHƯ KHÔNG PHẠT

Hãy luôn Kỷ luật con một cách tích cực ❤️. Nếu con bạn cực nghịch ngợm, và bạn đã quá mệt mỏi vì cả ngày cứ phải chạy theo kiểm soát, nhắc nhở chúng? Nếu con đi quá các giới hạn và thử thách sự kiên nhẫn của bạn, hãy áp dụng các hình phạt. Phạt không có nghĩa là chúng tôi khuyến khích bạn đánh con. Bạo lực và mắng mỏ sẽ gây ra tác dụng phụ, và khiến vấn đề tâm lý lẫn hành vi ở trẻ trở nên nghiêm trọng hơn, về lâu về dài còn gây nên tự ti, stress và tính hiếu chiến. Là bố mẹ, khi phạt con chúng ta thường quên mất rằng hình phạt không phải là để khiến cho con sợ hãi mình, mục tiêu duy nhất của nó là giáo dục cho con biết tầm quan trọng của việc cư xử đúng đắn. Sau đây là một vài cách để bạn có thể “phạt như không phạt”. 1. Time-Ins Rất nhiều phụ huynh sử dụng phương pháp time-out để dạy dỗ trẻ: yêu cầu con ngồi yên lặng/ đứng trong góc tường và dành thời gian suy nghĩ. Tuy nhiên, đôi khi việc ngồi yên lại quá khó với trẻ, bởi thông thường trẻ em đều rất thích hoạt động. Trong trường hợp đó, thay vì bắt con ngồi im không được làm gì, bố mẹ có thể thử “time-in” - để con chơi trong “góc nghịch ngợm” phù hợp với tuổi. Các hoạt động gợi ý có thể là học thuộc một bài thơ ngắn, viết bảng chữ cái, tô màu cho tranh hay giải toán. Cách này vừa để phạt con, vừa khiến con làm gì đó có ích. 2. Tập thể dục Đây là kiểu hình phạt không mong muốn cho trẻ, đặc biệt với những bé không thích vận động, nhưng chắc chắn sẽ khiến con hiểu được hậu quả của việc cư xử sai trái. Ví dụ, nếu con bày đồ ăn vung vãi trên bàn sau khi bố mẹ đã nhắc nhở, bạn có thể yêu cầu con đứng lên ngồi xuống 10 lần. Nếu con không hợp tác khi đi ra ngoài, bạn có thể phạt con nhảy dây. Dần dần, con sẽ quen dần với việc vận động. Tuy nhiên, bố mẹ đừng lạm dụng hình phạt này quá đà kẻo con mệt mỏi nhé. 3. Làm việc nhà Viết ra một danh sách gồm 25 tới 30 đầu việc như tưới cây, phủi bụi giá sách, lau khô chén đĩa... Thêm điểm tương ứng với mỗi đầu việc. Ví dụ, tưới cây sẽ được 20 điểm, rửa bát được 40 điểm. Nếu con không ngoan và hành xử không đúng, bạn có thể giải thích với con rằng con cần phải cộng thêm điểm bằng cách hoàn thành một (vài) đầu việc. Nếu con đánh bạn? Cần phải kiếm đủ 150 điểm trước khi được chơi với bạn. Bằng cách này, con sẽ học được cách làm việc nhà để có thể đạt được quyền lợi làm một vài việc nhất định. 4. Hẹn giờ Con mất quá nhiều thời gian để làm một việc gì đó, ví dụ như việc nhà hay dọn phòng? Hãy hẹn giờ. Nói với con rằng khi chuông reo thì con cần phải hoàn thành xong công việc của mình, nếu không con sẽ không được xuống sân chơi cùng bạn. Đây là cách khuyến khích con luôn đúng giờ và dần dần biến nó thành thói quen. 5. Luyện tập Cách này đặc biệt áp dụng cho các bé thường gặp khó khăn để làm bài tập về nhà hoặc không đạt kết quả tốt ở trường. Hãy chắc chắn bạn đã cho con thêm nhiều thời gian hơn để có thể luyện tập ở nhà. In bài tập ra giấy và yêu cầu con làm thêm. Bạn có thể giải thích để điểm số của con tăng lên, con cần dành nhiều thời gian hơn để học hành dù rằng điều đó có nghĩa là bớt đi thời gian để chơi. Cách này rõ ràng tốt hơn nhiều so với việc bạn mắng mỏ khi con chưa đạt được kết quả mong muốn. 6. Hũ hình phạt Thảo luận với con và đưa ra một danh sách những hình phạt sáng tạo. Sau đó, ghi từng hình phạt vào những mẩu giấy nhỏ rồi bỏ vào trong chai/lọ. Mỗi lần con không ngoan, yêu cầu con nhặt 1 mảnh từ trong hũ và làm theo những gì được ghi trong đó. Ví dụ gợi ý: đi đổ rác, rửa bát, gấp quần áo, dọn tủ... 7. Núi lửa tự nguội Nếu con thường xuyên giận dữ, hãy để con tự bình tĩnh lại bằng cách rủ con ra ngoài chạy bộ hoặc dắt thú cưng đi dạo (nếu có). Bằng cách này, con sẽ điều khiển được cơn giận và cho bản thân thêm thời gian tự vấn về hành động mình đã làm. Thêm vào đó, đây cũng là cách để phụ huynh tự điều chỉnh cảm xúc của bản thân nếu bạn quá bực bội khi con cần thêm kỷ luật. 8. Cất hết đống bừa bộn Rất hiệu quả để đảm bảo con bạn dọn dẹp những gì mình đã bày ra. Ví dụ, nếu con để bừa đồ chơi hay màu vẽ trong phòng, hãy cất hết chúng đi. Cho con biết con sẽ không thể chơi đồ chơi hay vẽ nếu không gọn gàng. 9. Khu vực không-chiến-tranh Nếu bạn là bậc phụ huynh có 2 con trở lên và chúng thường xuyên cãi cọ thì đây là phương pháp dành cho bạn. Dành ra một vài khu vực trong nhà và quy định con không được phép tranh cãi ở đó. Cho phép con được dán hình sticker/ poster yêu thích ở đó và nói rằng, con không được đánh nhau trước mặt những nhân vật mà mình hâm mộ. Nếu con vi phạm, tiếp tục phạt thêm. Một vài ví dụ cho hình phạt gợi ý: ôm anh/chị/em mình trong 5 phút; làm việc nhà của anh/chị/em mình trong 2 ngày... Cách này sẽ giúp con gần gũi nhau hơn - và tránh cho bạn cơn nhức đầu mỗi ngày trước những trận cãi cọ liên miên. 10. Đi ngủ sớm hơn thường lệ Cách này hiệu quả với cả bé nhỏ và các bé đã lớn. Trẻ con thường thích được chơi và ghét đi ngủ sớm. Bởi vậy khi con hành xử không đúng, bạn có thể cắt bớt thời gian chơi và yêu cầu con đi ngủ. Những ngày con ngoan có thể cho con chơi thêm chút đỉnh. 11. Đổi vai Bạn cần hiểu rằng đôi khi trò chơi đổi vai chỉ để cho vui, nhưng khi thật sự sử dụng cách này để phạt thì cần yêu cầu con làm những việc mà bình thường con không thích như dọn dẹp, giặt đồ, lau nhà, hút bụi... và bạn sẽ đóng vai là con. Cũng cần phải giới hạn thời gian cho trò này kẻo con đi quá trớn. Con cần học được rằng khi con là người lớn thì sẽ phải làm những gì. 12. Bi ve trong chai Bạn có thể dùng chai thuỷ tinh hoặc hũ nhựa có cổ rộng để thả bi ve vào. Dùng bút không trôi và thước đo, vạch mỗi vạch cách nhau 5-8cm. Ở mỗi vạch ghi tên một quyền lợi mà con sẽ mất nếu không ngoan. Tuỳ theo “lịch sử” nghịch ngợm của con mà bạn ước lượng số lượng bi ve cần thả vào mỗi lần con cư xử không đúng. Mỗi một lần vượt quá vạch là con sẽ mất đi một quyền lợi. Con sẽ bị thúc đẩy để chấn chỉnh hành vi.

PHẠT NHƯ KHÔNG PHẠT
2 Các câu trả lời
 profile icon
Viết phản hồi
Influencer của TAP

sẽ cố gắng làm như thế với con trong tương lai

Influencer của TAP

Hữu ích